Trong suốt thời gian sống ẩn dật, triết học tâm linh giúp mình chiêm nghiệm và hiểu rõ nội tâm phong phú của bản thân. Dưới đây là 3 cuốn sách mình cực kì tâm đắc để nuôi dưỡng tâm hồn:
- Muôn kiếp nhân sinh
Nhắc về những cuốn sách triết học tâm linh, không thể không nhắc đến bộ Muôn kiếp nhân sinh của tác giả Nguyên Phong. Cuốn sách đã mô tả một bức tranh sống động với nhiều cuộc đời ở nhiều nền văn minh khác nhau, xuất phát từ sự chia sẻ của bạn thân tác giả – Thomas. Bác có khả năng nhớ lại tiền kiếp và qua đó chiêm nghiệm những câu chuyện, những mảnh đời để rút ra bài học cần thiết nhất: sống hướng thiện. Có một câu trong sách mà mình thấy đúng, đó là nhân quả là bảng chỉ đường giúp tìm về thiện lương.
Trước khi mình biết cuốn sách này, mình không có bất kì niềm tin nào, chỉ tin mỗi bản thân và luôn lo lắng cả thế giới chống lại mình, không biết cách chấp nhận cuộc sống như nó vốn là. Nhưng sau nhiều lần mình gặp điều không hay trong công việc, mình mới nhận ra mọi việc xảy ra đều có lí do của nó. Tuy có nhiều đau khổ nhưng trải nghiệm đó giúp mình nhận ra mình thật sự là ai.
Thay vì hồi đó đổ lỗi cho người khác, mình chiêm nghiệm bản thân xem hồi đó mình có thái độ gì khiến đồng nghiệp phiền lòng. Lúc đó mình nhận ra hồi đó mình hơi ích kỉ và cứng đầu nên mới gặp khó khăn như vậy. Mình công nhận luật nhân quả vận hành lên mình rất chính xác. Nhân quả giúp mình suy nghĩ thấu đáo hơn, biết trước biết sau để tránh những hậu quả không đáng có. Nói cách khác, luật nhân quả giúp mình sống ý thức hơn.
- Dám bị ghét
Lúc mới nhìn thấy cuốn sách này lần đầu, mình nghĩ tiêu đề gì lạ lùng vậy. Bị ghét mà cũng cần can đảm sao? Đọc hết cuốn sách này, mình mới hiểu rằng con người không ai làm hài lòng tất cả đâu, sẽ có người thích người ghét. Tại sao mình lại sống trong những kỳ vọng của người khác? Tại sao mình cứ luôn khổ sở và thất vọng?
Thông qua cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và triết gia, sách đã tái hiện lại những điểm chính trong tư tưởng của nhà tâm lý học Alfred Adler – thuộc top 3 những người sáng tạo ra ngành tâm lý học hiện đại cùng với Freud và Jung. Nếu Freud cho rằng quá khứ làm nên con người mình hiện tại, thì Adler lại cho rằng cuộc đời do chính mình lựa chọn, quan trọng rằng mình có đủ can đảm để thực hiện nó. Lúc đó mình tỉnh ngộ, thì ra bấy lâu nay mình thất vọng, buồn chán là không phải do năng lực, do quá khứ, mà là do mình không đủ can đảm để làm điều mình muốn.
Trong thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay, nhiều người cố gắng bám trụ công việc chỉ để tồn tại. Vậy tại sao họ biết thừa mình không thích công việc đó nhưng vẫn phải làm? Câu trả lời là họ có nhiều trách nhiệm trên vai hoặc sợ người đời chê bai khi theo đuổi điều họ thật sự muốn. Họ sợ bước ra khỏi vùng an toàn, cố gắng bám trụ công việc mình không thích và sống tiếp cuộc đời vô nghĩa còn lại.
Cuốn sách này dạy cho mình điều quan trọng nhất: không cần so sánh mình với bất kì ai khác, chỉ cần mình hơn chính mình của ngày hôm qua là đủ. Tích tiểu thành đại, thay đổi từ những việc nhỏ thì trong tương lai không xa, nhận thức của mình lên một tầng cao mới và mình sẽ lột xác trở thành con người hoàn thiện hơn.
- Ho’oponopono – Sống như người Hawaii: chấp nhận, biết ơn và tha thứ
Với bìa sách xanh tươi đậm chất hoa lá, cuốn sách Ho’oponopono thuật lại những quy luật tự nhiên của nền văn hóa cổ xưa mà các bậc trưởng lão người Hawaii đã truyền đạt lại. Họ dạy về lòng biết ơn, sự chấp nhận và tình yêu thương. Họ tin bản chất của con người không phải là vật chất, mà là năng lượng thuần khiết, là cội nguồn cho sức mạnh bản thân.
Đối với người Hawaii nói chung, lòng biết ơn có một sức mạnh to lớn. Nó giúp mình nhận ra mình thật sự có những gì. Đó có thể là sức khỏe, mối quan hệ, kiến thức hay của cải vật chất. Lòng biết ơn kết nối con người với sự tươi đẹp và những món quà bất ngờ của cuộc sống. Giống như Tom Hanks trong phim Forrest Gump có nói cuộc đời như một hộp kẹo socola, mình không biết mình sẽ nhận được những gì. Càng biết ơn mình đủ đầy, càng tin rằng mình sẽ sống hạnh phúc hơn.
Trong xã hội ngày càng xô bồ và chú trọng tới vật chất, con người có xu hướng kiểm soát và ít chấp nhận để mọi việc diễn ra tự nhiên. Họ thất vọng với nhiều tình huống xã hội như công việc không thuận lợi, mất đồ đạc, mâu thuẫn với người thân hoặc bạn bè. Họ không chịu chấp nhận những tình huống đó và cố kiểm soát theo ý mình. Điều này dẫn đến sự bực dọc và mệt mỏi, như một guồng quay không hồi kết. Luật chấp nhận đưa đến một giải pháp: để thoát khỏi đau khổ thì bạn phải lựa chọn – một là tiếp tục cằn nhằn và hai là chấp nhận và thay đổi thái độ. Vì sau cùng, khổ hay không là do tâm.
Hơn hết, các trưởng lão Hawaii dạy rằng không có sức mạnh nào lớn bằng tình yêu thương. Học cách cho đi mà không mong cầu nhận lại. Học cách chấp nhận và biết ơn cũng xuất phát từ lòng yêu thương chính mình. Khi biết thương mình, mọi người xung quanh sẽ yêu thương lại bạn, giúp bạn vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Mình sẽ luôn ở đó vì mình dù có chuyện gì xảy ra, tự trao quyền cho chính mình để sống tốt hơn.
Ba cuốn sách này khá trừu tượng nhưng dạy rất nhiều điều về cách sống ý nghĩa hơn, tỉnh thức hơn. Chúng giúp mình chữa lành tâm hồn và sống hạnh phúc hơn mỗi ngày. Còn bạn, bạn thích cuốn sách nào nhất, hãy chia sẻ cho mình biết nhé.