Làm thế nào để phát triển trực giác?

by huonghuynh

Mình đã từng không tin tưởng trực giác. Cứ mỗi lần nghe các lãnh đạo thuyết giảng nên đi theo tiếng nói bên trong, mình tự hỏi tại sao phải lắng nghe nó? Trực giác giúp được gì cho mình chứ?

Cho tới khi mình dừng lại nghỉ ngơi và bước chân vào hành trình chữa lành bản thân.

Lúc đó mình biết ơn trực giác bảo mình phải dừng lại. Vì nếu không, mình sẽ càng xuống dốc vì bỏ bê nội tâm quá lâu rồi. 

Thật sự trực giác là gì?

Trực giác, hay còn được gọi là giác quan thứ sáu, là cách thế giới tiềm thức giao tiếp với ý thức con người thông qua cảm nhận, linh tính tự nhiên xuất hiện trong đầu mà không biết nó từ đâu ra. Nó như một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu nhưng chưa trải qua sự phân tích của ý thức.

Ví dụ như khi đi làm trong môi trường toxic một thời gian, tự nhiên có suy nghĩ thôi thúc mình nên dừng lại. Hoặc mình chợt nghĩ tới người đó, ngay sau đó có tin nhắn liền. Đây chính là lúc trực giác cố truyền đạt thông điệp cho bạn đó.

Vì sao phải phát huy trực giác?

Trực giác được xây dựng dựa trên kiến thức và kinh nghiệm thực tế của bản thân. Nó sẽ càng nhạy bén khi trưởng thành về mặt nhận thức.

Khi phát huy trực giác, mình dễ nhận biết tình hình và đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Có một ý trong cuốn Nhà giả kim mà mình tâm đắc, nội dung là khi lắng nghe trái tim mình, trái tim nó ở đâu thì kho báu mình tìm cũng nằm ở đó. 

Làm thế nào để phát huy trực giác?

Sau quá trình tự chữa lành bản thân, mình tự đúc kết ra ba phương pháp giúp phát huy trực giác một cách hiệu quả nhất:

Sống chậm lại

Thời đại công nghiệp hóa dễ khiến mọi người sống nhanh. Vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, đa số phải gồng mình lên tranh đấu để có thể sinh tồn ở chốn phồn hoa. Tranh đấu giúp mình tới gần hơn mục tiêu mình muốn, tuy nhiên, gồng riết rồi cũng mệt.

Ngoài thời gian sống nhanh để chạy deadlines, cần dành thời gian sống chậm để sạc năng lượng cho mình. Có ngày thì phải có đêm, có dương thì phải có âm, như thế vạn vật mới cân bằng và hài hòa. Sống chậm sẽ giúp bản thân chiêm nghiệm nội tâm, biết được những suy nghĩ của mình đến từ đâu, điều gì nên làm và không nên làm để mình cải thiện dần.

Tự vấn bản thân

Bất kì ai cũng có thể đặt câu hỏi cho người khác, nhưng đặt câu hỏi cho chính mình thì không dễ dàng. Tự vấn là một quá trình tự hỏi bản thân những câu hỏi hữu ích để mở rộng tầm nhìn và thế giới quan. Ví dụ như mình có thích công việc này? Công việc có mang lại giá trị cho mình không? Tại sao mình muốn trở thành quản lý?

Tự vấn bản thân khuyến khích mình suy nghĩ sâu hơn những giá trị hiện hữu mà mình đang có. Nó giúp mình đào sâu bản chất vấn đề, hiểu được cảm xúc của mình tốt hơn. Khi hiểu được cốt lõi, dễ dàng ứng dụng những gì mình biết vào thực tế để tới gần hơn mục đích mình đề ra.

Tin tưởng bản thân 

Khi làm theo trực giác mách bảo, nên tin tưởng vào quyết định của chính mình. Không phải tự nhiên mình được thôi thúc hành động đến thế. 

Để tin tưởng bản thân, cần rất nhiều nội lực, kiến thức và kinh nghiệm. Trong quá trình trưởng thành, chắc chắn sẽ có những thử thách cản bước thành công. Mới đầu dễ cảm thấy thất vọng về bản thân nhưng nếu suy ngẫm lại, mọi khó khăn hay thất bại xuất hiện đều có lí do của nó. Niềm tin sẽ là động lực giúp bạn bước tiếp trên hành trình của mình dù có chuyện gì xảy ra. 

Niềm tin tích cực vào bản thân đủ lớn sẽ truyền năng lượng tốt đẹp đến người khác, thu hút nhiều con người cùng suy nghĩ đến với mình. Khi xung quanh bạn có những người cùng tần số, trực giác mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Chúc bạn luôn vững tin và lắng nghe tiếng nói bên trong nhiều hơn nhé! 

Để hiểu hơn về nội tâm bản thân, bạn có thể đọc thêm các bài viết sau:

You may also like

Leave a Comment